Các dấu hiệu suy giảm testosterone

Testosterone là một hormone sinh dục chính của nam giới đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình dục cũng như chức năng sinh sản của phái mạnh. Ngoài ra, nó còn tham gia vào nhiều hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, khi thiếu hụt hormone này sẽ dẫn đến những rối loạn chức năng của các cơ quan đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cũng như chất lượng cuộc sống và sức khoẻ sinh sản của nam giới. Hiểu được tính nghiêm trọng của thiếu hụt testosterone nên ta thấy rằng việc phát hiện và điều trị sớm tình trạng thiếu testosterone rất cần thiết để hạn chế những biến chứng không mong muốn của việc thiếu hụt hormone này. Để có thể phát hiện sớm được tình trạng suy giảm testosterone, bài viết này chúng tôi sẽ đề cập đến những dấu hiệu thường gặp của bệnh.

Dấu hiệu của suy giảm testosterone là gì?

Những dấu hiệu nam giới thiếu hụt testosterone điển hình là:

Cơ thể mệt mỏi:

Mệt mỏi là một dấu hiệu phổ biến trong nhiều bệnh lý. Trong đó, tình trạng suy giảm testosterone chúng ta cũng có thể bắt gặp triệu chứng này. Với bất kì lý do nào làm suy giảm testosterone cũng có thể làm cho bệnh nhân mệt mỏi, suy giảm năng lượng thường xuyên mặc dù bệnh nhân ăn uống và ngủ nghỉ đầy đủ. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động trong cuộc sống của người bệnh như luyện tập, vận động, công việc. Đặc biệt là những công việc làm với cường độ hoạt động cao sẽ khiến cho người bệnh mau chóng cạn kiệt sức lực của người bệnh.

Rối loạn cương dương ở nam giới: 

Testosterone là hormone sinh dục nam có vai trò quan trọng trong quyết định khả năng tình dục của phái mạnh. Sự suy giảm của testosterone làm cho nam giới rối loạn tình dục nghiêm trọng. Trong đó, rối loạn cương dương là một tình trạng thường gặp khi nam giới có nồng độ thấp testosterone trong máu. Những người bệnh rối loạn cương dương có thể là không thể duy trì được trạng thái cương cứng dương vật khi quan hệ (liệt dương). Điều này, khiến cho nam giới ảnh hưởng tâm lý không hề nhẹ làm họ cảm thấy mặc cảm, tự ti, suy giảm chất lượng sống.

Mặc dù rối loạn cương dương  là dấu hiệu thường gặp của tình trạng suy giảm nồng độ testosterone trong máu nhưng nó không phải là dấu hiệu đặc trưng của bệnh . Người ta có thể bắt gặp tình trạng này trong một số bệnh lý nội khoa khác như bệnh tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp, bệnh tăng huyết áp, rối loạn lipid máu hoặc những bệnh lý về tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm,… Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gặp ở những bệnh nhân có chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi không hợp lý.

Giảm lượng tinh dịch khi xuất tinh và giảm số lượng, chất lượng tinh trùng. 

Testosterone là một hormone sinh dục tham gia vào quá trình sản xuất tinh dịch cũng như quá trình sản xuất và trưởng thành của  tinh trùng ở nam giới. Khi nồng độ testosterone giảm thấp thì sẽ ảnh hưởng đến những quá trình này, làm lượng tinh dịch ít đi, số lượng tinh trùng giảm, chất lượng tinh trùng kém. Điều này, làm suy giảm khả năng sinh sản của nam giới , làm  tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở những bệnh nhân này. Cũng giống như các dấu hiệu thường gặp khác, nó không phải là triệu chứng đặc trưng của bệnh, nhưng khi kết hợp các triệu chứng với nhau thì nó giúp bác sĩ dễ dàng trong việc chẩn đoán.

Lượng cơ bắp trong cơ thể suy giảm.

Testosterone đươc chứng minh là ảnh hưởng đến quá trình tạo cơ. Nó có tác dụng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của cơ bắp. Khi thiếu hụt hormone này sẽ khiến nam giới giảm khối lượng của cơ, dẫn đến yếu cơ, cơ nhỏ, giảm hoạt động thể lực của nam giới.

Thừa cân, béo phì.

Hormone sinh dục nam – testosterone tham gia vào quá trình chuyển hoá chất béo. Vì vậy, khi suy giảm hormone này quá trình chuyển hoá chất béo suy giảm. Hậu quả là dẫn đến chất béo không được chuyển hoá, tích tụ mỡ trong cơ thể gây nên tình trạng thừa cân, béo phì.

Suy giảm ham muốn tình dục.

Testosterone có tác dụng kích thích và hình thành ham muốn tình dục ở nam giới. Vì vậy,ở nam giới giảm lượng testosterone thì chức năng tình dục của họ suy giảm rõ rệt. Nam giới thường có biểu hiện mất khoái cảm khi quan hệ, mất cảm xúc với đối tác, giảm ham muốn tình dục, thậm chí né tránh chuyện quan hệ. Tuy nhiên, biểu hiện này cũng có thể suy giảm theo độ tuổi. Đặc biệt khi  bắt đầu tuổi trung niên.

Thay đổi tính cách của nam giới. 

Nam giới thiếu hụt testosterone ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý người bệnh một cách nghiêm trọng. Người bệnh thường có biểu hiện thay đổi tính cách thất thường, mặc cảm, tự ti, rối loạn cảm xúc, dễ cáu gắt, mất tập trung,…. Sự thay đổi tính cách thất thường của nam giới này ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân người bệnh cũng như mọi người xung quanh.

Thưa lông, tóc, rụng tóc. 

Hormone testosterone có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lông tóc. Do đó, nam giới thường mọc lông ở nhiều nơi trên cơ thể như cằm, bụng, mặt, ức,… Khi nồng độ hormone này thiếu hụt lông tóc người bệnh sẽ mọc thưa và dễ rụng.

Thiếu máu.

Testosterone không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất hồng cầu cũng như sự hình thành của chất kích thích sản xuất hồng cầu – erythropoietin. Nhưng nó liên quan mật thiết đến số lượng hồng cầu. Khi nồng độ testosterone giảm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu ở nam giới. Nếu điều trị phù hợp cải thiện nồng độ hormone này trong máu thì sẽ cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu hụt testosterone.

Loãng xương.

Hormone testosterone tham gia vào quá trình tạo xương. Nó kích thích sự phát triển của xương và sự biệt hoá các sụn phát triển ở trẻ em. Chính vì đặc điểm này mà xương của đàn ông có nhiều điểm khác với người phụ nữ. Xương nam giới thường khoẻ hơn nữ giới. Xương chậu nam thường dài với hẹp, xương chậu nữ thường ngắn với rộng để phù hợp với việc sinh đẻ. Khi nam giới thiếu hụt hormone này sẽ có tình trạng loãng xương , xương dễ gãy. Bên cạnh đó, do suy giảm chức năng tạo xương nên khi gãy xương, những người thiếu hụt testosterone thường lâu liền hơn người bình thường.

Rối loạn lipid máu.

Do testosterone có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hoá chất béo nên khi thiếu hormone testosterone thì quá trình chuyển hoá lipid sẽ bị ảnh hưởng gây rối loạn lipid máu. Điều này làm tăng những nguy cơ về xơ vữa cũng như các bệnh lý về tim mạch như : Nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, và tắc các mạch máu khác.

Cơ quan sinh dục kém phát triển.

Điều này rõ nhất ở những trẻ em thiếu hụt testosterone. Như chúng ta đã biết vai trò của testosterone trong quá trình hình thành và phát triển của cơ quan sinh dục. Khi thiếu hụt hormone này ở trẻ em sẽ khiến cho cơ quan sinh dục kém phát triển và kích thước nhỏ hơn bình thường.

Một số dấu hiệu khác.

  • Tinh hoàn nhỏ, mềm hơn.
  • Vú to ở nam giới.

Trên đây là một số dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân thiếu hụt testosterone. Những dấu hiệu này đều không đặc trưng cho bệnh. Nhưng khi kết hợp các dấu hiệu trên thì rất có giá trị chẩn đoán. Ngoài ra, để chẩn đoán xác định bệnh thì bác sĩ cần tiến hành cận lâm sàng trong đó là xét nghiệm định lượng testosterone trong máu và một số xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu hụt này.

Khắc phục tình trạng suy giảm testosterone như thế nào?

Như chúng ta đã thấy, tác hại của sự thiếu hụt testosterone đối với nam giới không chỉ anh hưởng đến hoạt động tình dục mà nó còn ảnh hưởng sấu sắc đến tâm lý và sức khoẻ của phái mạnh. Bệnh là nỗi lo lắng hàng đầu của nam giới. Vì vậy, việc điều trị bệnh như thế nào rất được nhiều người quan tâm.

Để điều trị bệnh hiệu quả, bác sĩ cần phải xác định được nguyên nhân cốt lõi của tình trạng suy giảm nồng độ testosterone này. Từ đó điều trị triệt để nguyên nhân gây bệnh để có thể cải thiện tình trạng thiếu hụt testosterone lâu dài. Một số trường hợp có thể sử dụng testosterone ngoại sinh để nhanh chóng cải thiện những triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể dùng testosterone ngoại sinh bởi vì khi dùng hormone này có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình điều hoà hệ thống nội tiết vùng dưới đồi – tuyến yên – tinh hoàn. Khi bổ sung testosterone ngoại sinh sẽ khiến cho nồng độ testosterone ổn định trong máu làm cho vùng dưới đồi và tuyến yên không kích thích tinh hoàn sản sinh ra testosterone nội sinh điều này khiến cho thiếu hụt testosterone càng ngày càng trầm trọng. Vì vậy, khi mắc bệnh thì người bệnh cần phải lựa chọn những cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị hiệu quả vì việc điều trị thiếu hụt testosterone cần phải cân nhắc xem xét cẩn thận nguy cơ và lợi ích để lựa chọn phương pháp áp dụng cho từng đối tượng phù hợp.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chế độ ăn uống, luyện tập, nghỉ ngơi phù hợp, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, cũng góp 1 phần quan trọng không hề nhỏ trong việc khắc phục tình trạng suy giảm testosterone ở nam giới.

Nguyên nhân gây suy giảm testosterone của nam giới.

Một số nguyên nhân thường gặp gây thiếu hụt nồng độ hormone testosterone trong máu ở nam giới như:

  • Các bệnh lý về hệ nội tiết tại vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc tinh hoàn.
  • Do tâm lý: căng thẳng, lo lắng, trầm cảm,…
  • Áp lực cuộc sống hoặc làm việc dưới áp lực cao.
  • Rối loạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc.
  • Nghỉ ngơi không hợp lý.
  • Quan hệ tình dục không phù hợp.
  • Có những hành vi, thoái quen gây hại như: Sử dụng các chất kích thích (hút thuốc, rượu bia, ma tuý,…), không luyện tập thể dục, thể thao, thủ dâm,…
  • Sống trong môi trường ô nhiễm.
  • Ăn uống những thức ăn không phù hợp: Ăn nhiều đồ ăn dầu mỡ, thức ăn nhanh, đồ ăn liền,…
  • Sử dụng một số thuốc làm giảm quá trình sản xuất testosterone như thuốc trầm cảm, thuốc huyết áp, thuốc nhóm steroid, thuốc ngủ, thuốc dạ dày, thuốc khớp,…

Bài viết này nhằm đưa ra một số dấu hiệu thường gặp của tình trạng thiếu hụt testosterone cùng nguyên nhân cũng như cách khắc phục bệnh. Mong rằng nó sẽ giúp ích được người đọc có thể phát hiện sớm bệnh để có thể khám và điều trị kịp thời và tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tâm lý, cùng chất lượng cuộc sống người bệnh.